Page 72 - KINH NGHIỆM THÀNH CÔNG CỦA ÔNG CHỦ NHỎ - EBOOK.DANGTRONGDAI.COM
P. 72
đó, cơ sở của Tôn có máy móc hiện đại, cơ chế quản lí tốt nên gần như là
độc quyền, lợi nhuận thu được cũng cao hơn mấy lần so với các cơ sở chế
biến khác trong nước. Nhưng những ngày tháng tươi đẹp đó không kéo dài,
những người cùng nghề nhìn thấy Tôn kiếm được nhiều tiền thì lũ lượt đầu
tư máy móc thiết bị mới, đồng thời dùng tiền để mời gọi nhân viên sản xuất
và quản lí có kinh nghiệm ở cơ sở của Tôn về làm việc cho mình, sản phẩm
của họ cũng nhanh chóng đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu, tranh giành thị
trường Nhật Bản với anh. Tuy Tôn đã có chuẩn bị sẵn về kĩ thuật và quản lí
nhân viên, giúp giảm nhẹ tổn thất nhưng một khi một chiếc bánh có quá
nhiều người tranh giành thì tự nhiên phần của mình cũng bị hao hụt đi nhiều.
Vấn đề lớn hơn chính là có sự cạnh tranh tất sẽ dẫn đến cuộc chiến về giá cả,
để có thể giành được đơn đặt hàng từ đối tác Nhật Bản, các cơ sở không
ngần ngại giảm giá bán hàng.Với những doanh nghiệp mới bước chân vào
thị trường và không có ưu thế nổi trội thì đây là cách duy nhất để cạnh tranh.
Ngoài ra còn một vấn đề nữa: giá thành nguyên liệu tăng lên chóng mặt, sản
phẩm măng trúc xuất khẩu sang Nhật đòi hỏi phải có điều kiện bảo quản
nghiêm ngặt, không có tàn dư hóa chất độc hại. Trước đây, khi Tôn mua
nguyên liệu của nông dân, tuy giá thu mua có cao hơn một chút so với các cơ
sở khác nhưng cũng không đáng là bao, hơn nữa, giá bán sang Nhật Bản rất
cao nên Tôn chưa bao giờ phải bận tâm về chuyện giá cả thu mua. Nhưng
tình hình hiện tại đã khác, cùng một lúc có thêm hàng chục doanh nghiệp
mua măng thì tất nhiên giá măng sẽ tăng cao, nguồn cung nguyên liệu không
thể đáp ứng kịp nhu cầu tăng vọt của thị trường và giá cả bắt đầu lên cao một
cách khó lường. Hình thức kinh doanh theo trào lưu và bắt chước lẫn nhau
đã khiến một ngành nghề đang từ chỗ có lợi nhuận cao thành lợi nhuận thấp.
Còn các đại lí thì vui mừng ra mặt vì có bao nhiêu nhà cung cấp thế này, họ
chỉ việc chọn người nào bán giá rẻ nhất mà thôi, thế là công cuộc ép giá
bắt đầu.
Cơ sở chế biến của Tôn bắt đầu rơi vào giai đoạn trì trệ, tuy không đến nỗi
chết đói nhưng cũng chẳng thấy tương lai tiền đồ. Giá nguyên liệu tăng cao,
số lượng đơn đặt hàng giảm sút, buôn bán ế ẩm, lợi nhuận xuống dốc không
phanh, mỗi một vấn đề đều có thể đẩy doanh nghiệp xuống vực thẳm. Đã có
lúc Tôn nghĩ đến việc chuyển nghề, nhưng nhìn lại thì có ngành nghề nào
không chịu chung số phận? Tham gia vào ngành khác thì cũng không thể
tránh được sự cạnh tranh khốc liệt này, còn mình thì phải học lại từ đầu quy
luật ngành nghề và tích lũy kinh nghiệm, chi bằng trung thành với nghề cũ,
khai thác tiềm lực của bản thân thì hơn.